Thận giữ vai trò sống còn trong cơ thể như điều hòa huyết áp, cân bằng điện giải, lọc máu, sản xuất hormone, duy trì mật độ xương và kiểm soát tạo hồng cầu.
Theo ThS.BS.CKII Hà Tuấn Hùng, khoa Nội thận – Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, khi thận suy, độc tố bị ứ trệ, ảnh hưởng đến hàng loạt cơ quan khác. Tuy nhiên, nhiều tổn thương ở giai đoạn đầu không có biểu hiện rõ ràng, chỉ được phát hiện khi đi khám hoặc khi bệnh đã trở nặng.
Dưới đây là những thói quen đơn giản giúp duy trì sức khỏe thận mỗi ngày:
1. Duy trì cân nặng hợp lý
Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường, cao huyết áp – hai “thủ phạm” hàng đầu gây suy thận. Việc kiểm soát cân nặng qua chế độ ăn lành mạnh và tập luyện đều đặn giúp giảm gánh nặng cho thận.
2. Kiểm soát đường huyết và huyết áp
Đường huyết cao có thể làm hẹp và tổn thương các mạch máu nhỏ trong thận. Tương tự, huyết áp cao thường không có triệu chứng nhưng âm thầm phá hủy chức năng thận.
Người bệnh cần theo dõi chỉ số thường xuyên, đặc biệt là vào sáng sớm và buổi tối trong trạng thái thư giãn. Mức huyết áp lý tưởng là dưới 120/80 mmHg với người khỏe mạnh và dưới 130/80 mmHg nếu có bệnh nền.

Kiểm soát đường huyết và huyết áp . (Ảnh minh hoạ)
3. Hạn chế bia rượu, bỏ thuốc lá
Rượu bia khiến thận làm việc quá tải, mất cân bằng nước – điện giải, từ đó đẩy nhanh nguy cơ suy thận. Hút thuốc cũng làm hỏng các mạch máu nuôi thận, giảm khả năng lọc máu. Ngừng hút thuốc và hạn chế đồ uống có cồn là cách đơn giản để bảo vệ hệ bài tiết.
4. Tập thể dục đều đặn
Chỉ với 30 phút đi bộ, bơi lội hoặc vận động nhẹ mỗi ngày có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu, kiểm soát huyết áp, giảm cholesterol và tăng sức đề kháng. Hoạt động thể chất còn hỗ trợ chức năng thận và giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính.
5. Ăn uống thông minh
Thực phẩm giàu natri, phốt pho, kali, chất béo bão hòa và đường tinh luyện làm tăng áp lực cho thận. Thay vào đó, nên ăn nhiều rau củ, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, cá nạc và đạm thực vật. Người mắc bệnh thận cần theo dõi lượng protein, đặc biệt tránh lạm dụng thịt đỏ và đồ chế biến sẵn.
6. Uống nước đúng cách
Nước giúp đào thải độc tố ra ngoài cơ thể, duy trì cân bằng nội môi và ngăn ngừa hình thành sỏi. Nên uống từ 2-3 lít nước mỗi ngày, điều chỉnh theo nhu cầu và theo dõi màu sắc nước tiểu. Tuy nhiên, uống quá nhiều cũng có thể phản tác dụng nếu cơ thể không cần.
7. Quản lý căng thẳng
Stress kéo dài làm rối loạn nội tiết và ảnh hưởng gián tiếp tới chức năng thận. Thiền, yoga, đọc sách, nghe nhạc nhẹ nhàng… là những cách giúp thư giãn tinh thần, hỗ trợ sức khỏe toàn diện.
8. Khám sức khỏe định kỳ
Bệnh thận mạn tính thường phát hiện muộn vì triệu chứng dễ bị bỏ qua: tiểu đêm nhiều, phù chân, mệt mỏi kéo dài, chán ăn, tiểu ra máu… Khám định kỳ giúp phát hiện sớm bất thường qua xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm. Người cao tuổi, có tiền sử tiểu đường, cao huyết áp hoặc trong gia đình có người mắc bệnh thận càng cần kiểm tra thường xuyên.
Thận có thể bị tổn thương mà không phát tín hiệu rõ ràng. Một vài thay đổi nhỏ trong lối sống hôm nay có thể cứu lấy sức khỏe của bạn mai sau.
Theo VTCNews